Tập thể giáo viên chúng tôi cũng như nhiều đồng chí phụ trách một số cơ quan, đoàn thể của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp không ai xa lạ với thầy giáo Nguyễn Đăng Khánh hiện là giáo viên đang công tác, giảng dạy môn Thể dục tại trường THCS Nguyễn Văn Tiệp.
Là một đồng nghiệp trong trường, quen biết thầy từ ngày mới ra trường đến nay cũng gần vài chục năm. Hằng ngày được tiếp xúc với thầy Khánh tôi ấn tượng với dáng người cao ráo, khỏe khoắn, điển trai, nước da ngăm, sống tình cảm, sâu sắc, hòa đồng, gần gũi với đồng nghiệp, luôn vui vẻ, yêu thương, quan tâm học trò. Trong công tác thầy là người luôn có tinh thần trách nhiệm với mọi công việc được giao.
Thầy Khánh là một trong những giáo viên năng nổ, nhiệt huyết, luôn đi đầu trong các phong trào do Đoàn Thanh niên, Ngành, Trường tổ chức. Đặc biệt thầy là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào hiến máu tình nguyện của ngành, của trường, của Đoàn thanh niên phát động.
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Là hành động giúp đỡ những người đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống, đưa lại hy vọng sống cho nhiều người.
Giọt máu là một phần vô cùng quan trọng trong cơ thể của con người. Nó quyết định sức khỏe và cả tính mạng của chúng ta. Là thứ ai cũng có nhưng lại không phải là thứ ai cũng dễ dàng cho đi. Đối với nhiều người, họ sẵn sàng cho đi những thứ quý giá của họ có nhưng chưa chắc họ đã tình nguyện cho đi những giọt máu trong cơ thể của họ. Vì họ nghĩ giọt máu cho đi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mà sức khỏe chính là vốn quý nhất của con người.
Làm nghề thầy giáo, cuộc sống không mấy dư dã. Thầy Khánh không có nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo, cũng không có nhiều thời gian đi đây đi đó để cống hiến cho việc thiện nguyện nhưng bên cạnh đó hiến máu là việc làm thường xuyên và ý nghĩa, là hành động nhân ái, là nghĩa cử cao đẹp mà thầy đã giúp đỡ, cứu sống được rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo rất cần đến những giọt máu nhân đạo mà thầy đã cho đi. Một việc làm mà không phải ai trong chúng ta cũng đều làm được cho người khác. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra vô cùng phức tạp như hiện nay, hàng ngày có đến hàng ngàn người phải lọc máu để giành lại sự sống thì giọt máu trở nên vô cùng quý giá hơn bao giờ hết. Cho nên Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng bùi ngùi viết lên những lời nhạc về tình người trong cuộc sống:
“ Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?”
Đúng như thế người với người sống để yêu nhau. Hạnh phúc là cho đi, phải có những con người như thế thì nhiều người mới được cứu sống khỏi thần chết. “Chia sẻ một phần máu của mình để có thể cứu sống được mạng người, đó là điều hạnh phúc và thiêng liêng của tôi. Đây là trao đổi, niềm vui của thầy Đăng khánh khi được hỏi về ý nghĩa của việc hiến máu.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, nên cá nhân thầy luôn tiên phong trong các phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương, cơ sở. Lần đầu tiên tham gia hiến máu năm 2004 đến nay cũng đã vài chục năm. Hơn 40 năm tuổi đời, 20 năm tuổi nghề, có hơn 30 lần hiến máu, có nghĩa là số lần hiến máu bằng 2/3 tuổi đời và dường như năm nào cũng thế, cứ có đợt phát động là thầy đều tham gia hiến máu từ 1 đến 2 lần. Hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn sản sinh ra dòng máu mới hồi sinh trong cơ thể, giúp mình khỏe hơn và cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn vì đã làm được một việc làm ý nghĩa cho đời cho người. Thầy là một tấm gương người tốt việc tốt đáng quý, đáng khâm phục có sức lan tỏa về lòng nhân ái cho chúng ta , đặc biệt là thế hệ trẻ.
Không chỉ tham gia hiến máu tình nguyện cứu người nhiều lần, với tinh thần tương thân tương ái “Một giọt máu cho đi- Một cuộc đời ở lại” thầy đã tuyên truyền, vận động nhiều anh em, đồng nghiệp cùng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người thân, trong đó có vợ của thầy cũng là một giáo viên nhiều lần đi hiến máu được nhiều tổ chức, ban ngành trao tặng giấy khen.
(Ảnh Thầy Nguyễn Đăng Khánh đứng bên trái ngoài cùng trong một lần được nhận giấy khen của tỉnh Đồng Tháp năm 2014 trong Lễ tôn vinh “Người hiến máu tình nguyện” )
Thầy Khánh là một tấm gương sáng, một điển hình xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đống của địa phương và của ngành giáo dục huyện nhà Tân Hồng.
Bài và ảnh: Trần Thị Oanh, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Tiệp