Lại một đợt di chuyển mới, bỗng có một phụ huynh đang đứng ngoài hàng nhảy phắt vào ngồi phịch lên một chiếc ghế vừa trống mà cô bé tiếp theo chưa kịp ngồi vào. Vẻ mặt anh ấy đúng kiểu “Xong! Được một ghế rồi!”.
Sự di chuyển của hàng người bị khựng lại vì cú nhảy ngang này. Mọi người im lặng.
Người cha đứng dậy, đặt chiếc balô lên ghế, quay mặt về phía sau vẫy vẫy “lên đây nè con!”. Mọi người nhìn anh ta. Không một sự nhúc nhích nào từ phía sau. Anh ta quay lại ghế.
Hai phút sau, lại lặp lại cảnh cũ: đứng lên, vẫy vẫy “lên đây nè con”. Vẫn lặng như tờ.
Lần thứ ba, người cha bỏ chiếc balô chỏng chơ trên ghế, chạy ngược về phía cuối hàng, nơi con gái anh ta đang ngồi trên một chiếc ghế khác, cầm tay con lôi lên chỗ anh ta đã xí được. Cô bé trì lại, không đi. Anh ta buông tay con ra, trở lên lại chiếc ghế chen ngang, ngồi phịch xuống.
Thêm một lượt di chuyển. Người cha bước tới chiếc ghế kế tiếp, mắt vẫn quay về hướng đằng sau, lại vẫy vẫy, lại “lên đây nè con!”. Hàng người ổn định chỗ ngồi. Vẫn không thấy cô bé bước tới.
Người cha nhấp nhổm, chốc chốc lại nhớm người quay xuống nhìn con gái.
Lượt di chuyển tiếp theo. Dòng người đứng dậy, và người cha khoác balô lên vai, rời bỏ chiếc ghế chen ngang. Dòng người lấp vào chỗ trống. Lặng lẽ.
Ý thức xếp hàng đúng thứ tự thể hiện phông văn hóa của mỗi người: biết tôn trọng người khác và bản thân trong các khu vực công cộng, giữ sự bình đẳng về quyền lợi cho mọi người đang cùng tham gia vào việc xếp hàng.
Giáo dục nhà trường đang mỗi ngày làm tốt việc hình thành cho các em học sinh thói quen xếp hàng, chúng ta có thể thấy rõ điều đó từ những em bé tuổi mầm non cho đến học sinh trung học, chỉ tiếc là chính người lớn chúng ta lại thường xuyên vi phạm nguyên tắc “ai đến trước được phục vụ trước” trong việc xếp hàng và luôn luôn biện hộ cho việc giành giật quyền lợi sai trái này của mình.
Câu chuyện người cha chen ngang và cô con gái “không vâng lời” khiến tôi thấy xấu hổ vì hành vi sai trái của người lớn, nhưng bên cạnh đó, vẫn gieo cho tôi một hy vọng tươi mới vào một thế hệ trẻ biết tôn trọng luật lệ công cộng.
Những người trẻ như cô con gái ấy sẽ làm nên một cộng đồng văn minh, chính trực và thân thiện hơn trong tương lai – nơi sự tranh giành quyền lợi, ích kỷ sẽ dần nhường chỗ cho sự công bằng, tôn trọng, sẻ chia và yêu thương. Người lớn chúng ta nên nhìn lại mình để sửa đổi hành vi cho đúng đắn, cùng thế hệ con cháu góp phần làm cho xã hội văn minh hơn, trật tự hơn.
Một ngày không xa, chúng ta sẽ không còn phải trầm trồ về văn hóa xếp hàng của người Nhật, người Singapore nữa, nếu chúng ta bắt đầu thay đổi hành vi của chính mình từ hôm nay. Thay đổi cho chính mình, thay đổi để làm gương cho thế hệ sau và cùng nhau tạo dựng một cộng đồng người Việt văn minh.
(Sưu tầm nguồn Internet)